Các dự án logistics, trong đó có những dự án cảng biển ở phía Nam được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, rót vốn đầu tư, cũng như tăng cường hợp tác trong cung cấp dịch vụ.
Dự án cảng biển tăng tốc
Cuối tuần qua, Công ty cổ phần Tân Cảng Cái Mép đã ký kết hợp tác với Công ty KCTC Việt Nam (Hàn Quốc), trở thành đối tác toàn diện trong việc cung cấp các dịch vụ khai thác kho bãi cảng và dịch vụ logistics.
Ông Park Hyun Bae, Tổng giám đốc KCTC Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã có mặt tại Việt Nam hơn chục năm, hoạt động kinh doanh vận tải đa phương thức, dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kho bãi, dịch vụ tư vấn logistics, lưu trữ hàng hóa.
“Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành logistics, chúng tôi tự tin sẽ cung cấp các giải pháp hậu cần tốt nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng khu vực Đông Á, Nam Á và Bắc Á”, ông Park Hyun Bae nói.
Trong khi đó, đại diện Tân Cảng Cái Mép cho biết, Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, được đưa vào vận hành, khai thác từ tháng 6/2009, là cảng biển nước sâu đầu tiên của Việt Nam. Đến nay, cảng Tân Cảng Cái Mép có thể tiếp nhận các tàu biển có trọng tải tới 160.000 DWT.
Thực tế, gần đây, hai doanh nghiệp đã hợp tác, triển khai tiếp nhận thành công các chuyến tàu lô hàng siêu trường, siêu trọng cập các cảng khu vực Cái Mép, mở ra một hướng phát triển mới đầy hứa hẹn, phục vụ hiệu quả hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Việc ký kết hợp tác toàn diện lần này phát huy được thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển của 2 công ty, cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Cảng quốc tế Long An có tổng diện tích 147 ha, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã khởi động giai đoạn II, với việc xây dựng cầu cảng số 6 và số 7, đón được tàu có trọng tải lên đến 70.000 DWT. Cùng lúc, việc thi công cầu cảng số 4, số 5 được đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu là đưa vào khai thác trong năm 2021.
Theo chủ đầu tư, giai đoạn I của Dự án đã hoàn thành với 3 cầu cảng dài 630 m. Trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác, cảng đã đón gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa, nhiều tàu có tải trọng lên tới 50.000 DWT.
Khối ngoại tăng rót vốn
Theo các chuyên gia, thị trường logistics của Việt Nam được nhìn nhận có tiềm năng rất lớn, quy mô tương đương 21-25% GDP. Nhưng hiện 80% thị phần này do doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Trước những cơ hội thuận lợi từ việc Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do, thời gian gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài cũng nhanh tay rót vốn vào lĩnh vực này.
Tháng 8/2020, một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới là IFC đã quyết định cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho Công ty cổ phần Giao nhận và vận chuyển In Do Trần. Khoản vay này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành kho vận, mà còn tăng cường thúc đẩy thương mại và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nội địa.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam và EU đang thúc đẩy giao thương để tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thì các dự án lĩnh vực logistics, trong đó có những dự án cảng biển sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Đại diện IFC nhìn nhận, ngành kho vận Việt Nam đã có tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tăng trưởng của ngành một phần là nhờ mức đầu tư nước ngoài cao kỷ lục, chủ yếu trong sản xuất và chế biến - hai ngành cần có hoạt động kho vận mạnh mẽ, cùng với đó là sự bùng nổ trong tiêu dùng nội địa.
Song, ngành kho vận hiện còn phân tán, trên 95% số đơn vị cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, với phạm vi hoạt động khiêm tốn và năng lực cạnh tranh chưa cao. Do đó, khoản đầu tư này sẽ cho phép doanh nghiệp Việt cung cấp các dịch vụ kho vận tích hợp và có chất lượng cao hơn cho khách hàng, trong đó có các nhà sản xuất trong nước và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mới đây, Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được nhóm các nhà đầu tư đến từ châu Âu “điểm mặt, chỉ tên” trong đề xuất gửi Chính phủ.
Theo đề xuất này, Dự án có vốn đầu tư lên tới 984 triệu USD, có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Các nhà đầu tư mong muốn dự án sớm được phê duyệt, đồng thời khẳng định cam kết nếu được lựa chọn, họ sẽ triển khai dự án đúng tiến độ.
Cụ thể, Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ được quy hoạch với tổng diện tích 1.763 ha, bao gồm các phân khu chính như trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu (984,24 ha); khu nước luồng, khu nước trước bến (455,77 ha); khu năng lượng sạch (197,65 ha); khu nước bến cảng tiềm năng (125,34 ha)…
Phân kỳ đầu tư khu logistics từ năm 2021 - 2030; khu bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu từ năm 2021 - 2040. Hiện nay, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch 1/2.000, xác định vị trí dự án và sẵn sàng có đất sạch cho nhà đầu tư.
Nguồn: Hồng Sơn- baodautu.vn
Tags: